Mình hay nghe người ta khuyên như vầy: “Ăn chay sau này bị bệnh là khó trị lắm, trong người đâu có đủ chất đâu”. Ngược lại, có người lại bảo rằng: “Ăn chay cho nhẹ nhàng cơ thể, ít bị bệnh mà thần trí cũng tinh anh nữa”.
Thật ra, hai quan điểm trên không sai nhưng cũng không đúng hoàn toàn. Mình thấy trên thực tế, có người ăn chay thì khỏe mạnh hơn, khỏi bệnh nhưng cũng có người lại càng ngày càng yếu. Vậy nguyên do từ đâu, ăn chay có khỏe mạnh không?
Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn cách giải thích từ góc nhìn Âm – Dương, hy vọng nó sẽ giúp ích phần nào cho những người ăn chay.
ĂN CHAY VÀ CHẤT LƯỢNG THỰC PHẨM CHAY
Ngày nay, ăn chay không chỉ là ăn rau quả, tàu hủ, ngũ cốc, trái cây… mà còn là các thực phẩm đóng gói, nhất là các loại “giả mặn” như: tôm chay, mực chay, gan chay, chả chay, thịt dê chay, ốc chay…
Và như bạn đã biết, để làm nên các dạng thực phẩm đó, các nhà sản xuất đã phải dùng rất nhiều hóa chất như chất tạo mùi, chất định hình, chất tạo màu, chất bảo quản, phụ gia tạo độ dai, giòn… Tuy nhiên, nhiều cơ sở vì lợi nhuận mà đã dùng cả những hóa chất bị cấm trong ngành thực phẩm.
Như vậy, nếu bạn ăn chay nhưng lại vô tình ăn phải các thực phẩm chứa đầy hóa chất thì rõ ràng, tình trạng sức khỏe sẽ không thể nào cải thiện lên được.
Riêng bản thân mình, sau nhiều lần ăn thực phẩm chay đóng gói cũng đã phát hiện nhiều tạp chất trong đó. Đặc biệt, với món chả chay thì không dưới hai lần mình phát hiện có những mảnh xương (như xương cá). Điều này làm mình rùng mình khi nhớ lại một bài báo trên vietnamnet nói về tình trạng đồ ăn chay “giả mặn” được làm từ thịt cá ôi thiu:
Ngoài ra, với nhiều loại thực phẩm khô (nhất là măng khô) thì tình trạng sấy lưu huỳnh vượt mức cho phép cũng là vấn đề đáng báo động.
ĂN CHAY, KHẨU PHẦN ĂN VÀ PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN
Có người ăn chay nhưng vẫn bị nóng trong người và nổi mụn hơn cả người ăn mặn. Có người ăn chay nhưng vẫn bị béo phì.
Thật vậy, ăn chay chỉ là một hình thức hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể sống. Vì vậy, khi bạn ăn uống cân bằng thì bạn sẽ khỏe mạnh và ngược lại.
Khi ăn chay, nhiều người thường làm các món chiên xào mà không biết rằng việc liên tục ăn các món này sẽ rất nguy hại cho cơ thể – nhất là gan và tim mạch. Không chỉ thế, nếu không biết cách lựa chọn thực phẩm khiến càng ăn càng nóng trong người thì việc nổi mụn cũng là điều tất yếu (rất nhiều trái cây nhiệt đới dễ gây nóng, nổi mụn như: nhãn, vải, chôm chôm, sầu riêng…).
Bên cạnh đó, có nhiều người còn mang sẵn tâm thức “ăn chay mau đói”, “ăn chay thiếu chất”… nên lại ăn nhiều hơn để bổ sung và hậu quả là tăng cân, béo phì.
Ngoài ra, còn một lý do rất quan trọng quyết định tình trạng sức khỏe của người ăn chay mà mình sẽ trình bày ngay sau đây:
ĂN CHAY VÀ NGUYÊN LÝ ÂM – DƯƠNG
Khi nói về vấn đề ăn uống và nguyên lý Âm – Dương, có người cười cợt bảo: Ăn mà cũng có Âm – Dương nữa à?
Vâng, đúng vậy. Theo nguyên lý triết học phương Đông thì không gì nằm ngoài Âm – Dương. Lý thuyết về quan niệm này có lẽ khiến bạn khó hiểu nhưng thực tế ứng dụng của nó thì lại rất dễ hiểu và thú vị.
Lấy ví dụ nhé: cà tím là thực phẩm mang tính Âm nên khi ăn, người ta thường đem nướng trên lửa (lửa là cực Dương), như thế thì Âm – Dương trong món ăn sẽ hài hòa (cơ thể theo đó cũng sẽ hài hòa, không phát sinh bệnh tật). Một ví dụ khác là vào mùa lạnh, người ta thường ăn những món ấm nóng – đó cũng là một cách để quân bình Âm – Dương.
Nói về ăn chay thì nguyên tắc Âm – Dương lại linh động hơn. Đó là vì người châu Á đa phần ăn các thức ăn từ thực vật, nhất là các trái cây nhiệt đới nên thể trạng thường thiên về Âm tính. Khi chọn chế độ trường chay, khẩu phần trái cây và rau quả lại tăng lên (nhất là măng, cà và nấm – những thực phẩm có tính Âm cao).
Vì vậy, nếu không khéo léo lựa chọn các thực phẩm có tính Dương để cân bằng thì dần dần, cơ thể sẽ suy yếu, Âm thịnh Dương suy gây ra bệnh tật hoặc làm bệnh nặng hơn
NGUYÊN LÝ LỰA CHỌN RAU CỦ ĂN CHAY
Như vậy, trong lựa chọn rau quả cho người ăn chay thì cần xét đến tính Âm – Dương. Các tiêu chí tham khảo để xếp loại Âm – Dương cho thực phẩm bao gồm:
1. Xu hướng: thực phẩm có xu hướng co lại thì mang tính Dương, có xu hướng dãn nở ra thì mang tính Âm (như giá, nấm, măng… là những dạng đang nảy mầm, dãn nở ra nên thiên về tính Âm). Do đó, người ăn chay vẫn có thể ăn các thực phẩm này nhưng không nên ăn nhiều, nhất là vào ban đêm và mùa lạnh.
2. Khí hậu: các loại trái cây ở vùng ôn đới như táo ta, kiwi, bom, lê… đa phần đều Dương hơn trái cây ở vùng nhiệt đới (như mít, xoài, ổi, mận, cóc…). Vì vậy, chúng ta không nên ăn quá nhiều trái cây nhiệt đới và khi ăn thì nên chấm muối (muối tính Dương) để cân bằng lại.
3. Địa dư: các loài mọc dưới nước thường thiên về tính Dương hơn các loài mọc trên cạn. Chẳng hạn, sen ở dưới nước là thực phẩm mang tính Dương, vì vậy người ăn chay có thể dùng để tẩm bổ.
4. Hướng sinh trưởng: các cây có củ đâm sâu xuống đất (hướng Âm) thì củ đó sẽ mang tính Dương để tự cân bằng (như cà rốt, củ mài, củ cải… ). Ngược lại, các cây có củ mọc ngang như khoai mì, khoai lang, khoai tây… thì lại thiên về tính Âm.
5. Vị: các loại thực phẩm cay, ngọt và chua thì thiên về tính Âm; ngược lại, các thực phẩm đắng, chát và mặn thì thiên về tính Dương.
Cuối cùng, thiết nghĩ cũng cần nói riêng về nấm. Được biết, đây là loại thực phẩm bổ dưỡng nên được nhiều nhà trường chay ưa chuộng (nhất là nấm rơm).
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều nấm thì lại không tốt cho sức khỏe. Đó là vì bản thân của nấm không có diệp lục và phải sống bằng phương thức dị dưỡng (thay vì tự dưỡng như nhiều thực vật khác). Chính vì vậy, xét từ góc độ thực dưỡng thì nấm “không có thiên khí” (Ngô Đức Vượng).
ĂN CHAY CÓ KHỎE MẠNH KHÔNG ?
Sau cùng, dù là thực phẩm mang tính Dương hay Âm thì dùng liên tục trong thời gian dài đều không tốt cho sức khỏe. Tùy vào thể trạng cơ thể của bạn (đang “Âm thịnh” hay :Dương thịnh”) mà có cách lựa chọn cho phù hợp. Chẳng hạn, trường hợp bạn là người ăn chay nhưng Dương thịnh (khiến cho dễ cáu gắt, bốc đồng…) thì vẫn cần ăn thêm các thực phẩm Âm tính để cân bằng lại.